Ngày 03/03/2025 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Quy định mới này là bước quan trọng trong việc thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp nguồn điện sạch.

Mua bán điện trực tiếp thông qua 2 hình thức

Mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng 

Mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng là hình thức giao dịch điện năng giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn, thông qua một hệ thống lưới điện độc lập.

Theo quy định, hợp đồng mua bán điện giữa hai bên được thỏa thuận dựa trên Điều 44 của Luật Điện lực và các quy định pháp lý liên quan. Nội dung hợp đồng bao gồm thông tin về các bên tham gia, mục đích sử dụng điện, tiêu chuẩn dịch vụ, quyền và nghĩa vụ, giá điện, phương thức thanh toán, điều kiện chấm dứt hợp đồng, trách nhiệm vận hành lưới điện kết nối riêng và các điều khoản khác theo thỏa thuận.

Giá điện do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt mức trần của khung giá phát điện theo từng loại nguồn điện tương ứng.

Đối với sản lượng điện dư, ngoài hai trường hợp đặc biệt, đơn vị phát điện có thể bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực hoặc Công ty Điện lực. Mức giá và sản lượng điện dư được thương lượng nhưng vẫn phải tuân theo mức giá trần của khung giá phát điện tương ứng.

  • Trường hợp 1: Nếu hệ thống điện mặt trời mái nhà của đơn vị phát điện bán lại cho các đơn vị điện lực, sản lượng điện dư không vượt quá 20% tổng lượng điện phát thực tế. Giá bán sẽ căn cứ theo giá điện năng thị trường bình quân của năm trước do đơn vị vận hành hệ thống điện công bố, đồng thời không vượt mức trần của khung giá phát điện đối với điện mặt trời mặt đất.
  • Trường hợp 2: Khi đơn vị phát điện bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn trong các khu công nghiệp, cụm doanh nghiệp và bán lượng điện dư cho đơn vị bán lẻ điện trong khu vực, giá bán và sản lượng giao dịch sẽ do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt mức giá tối đa theo quy định đối với điện mặt trời mặt đất.

Mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia 

Hình thức này là hoạt động mua bán điện, giao nhận điện năng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) bao gồm:

  1. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất trên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
  2. Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) ký hợp đồng kỳ hạn điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
  3. Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) ký hợp đồng mua bán điện với tổng công ty điện lực, công ty điện lực để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.

Ai hưởng lợi từ Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy định mua bán điện trực tiếp

Đối tượng mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng 

  • Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo
  • Khách hàng sử dụng điện lớn.

Đối tượng mua bán điện trực tiếp thông qua Lưới điện quốc gia 

a) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời hoặc sinh khối có công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

b) Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất hoặc Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ sạc điện cho phương tiện giao thông sử dụng điện mua điện từ Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực và các Đơn vị bán lẻ điện đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên;

c) Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được Khách hàng sử dụng điện lớn quy định tại điểm b khoản này ủy quyền mua điện từ các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực, ký kết Hợp đồng kỳ hạn điện với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (sau đây viết tắt là Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền).

Các đối tượng khác

a) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện;

b) Đơn vị truyền tải điện;

c) Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực và các Đơn vị bán lẻ điện khác;

d) Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Yêu cầu chung đối với các bên tham gia

Nghị định cũng đề ra các yêu cầu chung đối với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn.

Theo đó, cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, cấp phép hoạt động điện lực, cũng như đảm bảo an toàn điện trong quá trình xây dựng, vận hành và sử dụng. Ngoài ra, họ cần tuân theo các quy định về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, cùng các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện và các quy định pháp lý khác có liên quan.

Đối với khách hàng tiêu thụ điện lớn đã sử dụng điện từ 12 tháng trở lên, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân trong năm gần nhất (tính trên lượng điện mua từ Tổng công ty Điện lực hoặc đơn vị được ủy quyền) phải đạt mức tối thiểu theo quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Trong trường hợp khách hàng có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng, sản lượng điện đăng ký sẽ dựa trên mức tiêu thụ điện dự kiến mua từ Tổng công ty Điện lực hoặc đơn vị được ủy quyền. Lượng điện này cũng không được thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Bộ Công Thương về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ vào ngày 22/10/2024. Nghị định số 58/2025/NĐ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0943.322.199